Lời khen của người khác phái có tác dụng rất mạnh. Mạnh hơn cả mọi lời giáo
huấn, la rầy của bố mẹ cũng như thầy cô; mọi tiếng xì xào, châm chọc của bạn bè cùng phe. Lời khen ấy có thể làm người ta phải vắt tay lên trán suy nghĩ và thay đổi hẳn tính xấu, mà tưởng rằng dù có rời “giang sơn” cũng không lay chuyển. Và bản thân nó đã “sáng giá” trong con mắt mọi người, chỉ nhờ ở một lời khen hoàn toàn có thiện ý, của người.... phái khác.
Nó là con gái, nhưng lúc nào cũng hấp tấp, bốp chát, chẳng có lấy một gờ-ram dịu dàng thể hiện sự nữ tính.
Nó học buổi chiều. Trưa, cơm nước xong, nó tranh thủ chợp mắt một chút để tỉnh táo khi đến trường. Nhưng cái sự nghỉ ngơi ấy không đáng nói, nếu như không phải cứ mười bữa là hết chín bữa nó dậy trễ, dù đồng hồ có reng hay không. Và nhiều chuyện đã xảy ra từ đó. Có hôm nó mặc lộn áo của nhỏ em, học lớp sáu. Dĩ nhiên là hai chị em nó dùng chung một cái tủ rồi. Thầy giám thị thì chẳng quan tâm, nhưng thầy cô bộ môn và bọn bạn cùng lớp, được một phen ngỡ ngàng. Vì rõ ràng là nó: Thanh Ngân
8A7, nhưng phù hiệu lại thêu danh xưng là : Thanh Nga - 6A2. Nhỏ Thủy, nháy mắt:
- Chẳng biết gọi mày là Ngân hay Nga nữa đây?
- Thì cứ gọi là... mày cho xong!- Nó đáp bừa.
Nhỏ Trúc cười khanh khách, chọc thêm:
- Không lẽ lúc gọi từ xa, cũng cứ mày... mày... để cả trăm đứa cùng quay lại à?
- Cũng chẳng sao! Nếu vậy bọn mày càng được nhiều đứa để ý.
Có hôm nó vớ ngay cái cặp của nhỏ em, vô tư mang vào lớp. Không hiểu sao nó lại cứ thích đồ của Thanh Nga mới lạ chứ (?!). Nó ước gì hai đứa học chung một buổi, thì chắc chắn sẽ không có sự nhầm lẫn ê chề này. Đằng này, Nga lại học buổi sáng, thế nên... áo mặc nhầm còn đỡ, cặp xách nhầm thì... buổi học đó “thôi rồi, Ngân ơi !”.Tối hôm đó, nó xin bố mẹ cho đổi cái cặp khác. Bố chỉ mỉm cười, còn mẹ nhìn nó nghiêm nét mặt:
- Phải biết sửa đổi tính nết, chứ không phải hở chút là đổi đồ. Hay là đổi đồng phục màu khác có được không? Mà này, hình như lúc đi mua, con nhất định đòi phải cặp giống nhau cơ mà. Nó cúi đầu im lặng, vì rõ ràng là nó sai hoàn toàn. Nhưng thật ra cặp chỉ giống kiểu và màu xám đen thôi, chứ hai phông hình thì khác xa: Của nó là đôi bướm lượn bên
những nhánh hoa; của nhỏ Nga là búp bê Barbie. Thế mà...
Chưa hết,khi được bố chở đến nhà bác Hưng chơi, không biết chuyện trò, tâm sự với chị Thùy ra sao, khi ra về, nó “ hồn nhiên” xỏ dép của bà chị họ. Hai đôi cùng quai kẹp, xỏ ngón, pha hai màu đen trắng. Nhưng so ra, dép
của nó nhỏ hơn thấy rõ. Nó cũng không hiểu tại sao, rộng như vậy mà khi xỏ vô, nó không hề thấy sự lỏng lẻo?! Ở lớp học thêm ngoại ngữ, đã có lần nó... vào lộn lớp mới ghê chứ! Nó đến không sớm (dĩ nhiên rồi)nên lật đật mở vở ra xem, sợ cô vào kiểm tra bài đột xuất.
- Ủa, bạn mới vô lớp này hả?
Nó bỏ ngoài tai câu hỏi của đứa ngồi cạnh. “ Vớ vẩn chưa? Mọi ngày người ta vẫn ngồi ở bàn thứ ba mà” - nó nghĩ, chứ chẳng thèm nói ra. Đến khi cô bước vào lớp, nó ngước lên và há hốc miệng ngạc nhiên. Rồi nó huých cùi chỏ, hỏi đứa bên cạnh:
- Sao cô Thư không dạy bữa nay nhỉ?
- Lớp này cô Châu dạy mà!
Nó vội nhìn lại xung quanh. Giật mình vội thưa với cô là nó đã nhầm lớp. Rồi nó cúi đầu đi ra trong tiếng cười của cả lớp.
Đến một hôm, có sự kiện xảy ra, khiến nó phải thay đổi.
Hôm đó, nó đang thơ thẩn tham quan một khu hội chợ, đông đúc người đi mua sắm. Bỗng, nó để ý thấy đằng trước có một thằng con trai mặc chiếc áo sọc đỏ. Chiếc áo mà thằng Đạt thường mặc khi đi ăn chè với đám con gái chúng nó. Nó chen chân chạy lại bá vai đứa có áo sọc đỏ.
- Tên Đạt kia! Đi có một mình hả?
Người được nó “ ưu ái” ngạc nhiên nhìn nó, rồi phì cười:
- Đằng ấy lại nhầm rồi! Tôi đâu phải tên là Đạt.
- Ý... ơ... - Nó tròn mắt lên nhìn người đối diện. Đúng là quả đất tròn quay, tên này lại là tên ở lớp Anh văn, mà nó vào nhầm hôm nọ.
- Xin... lỗi...- Một lúc sau nó mới mở được miệng.
- Không sao ! - Tên con trai cười, vẻ trấn an - Tôi tên là Thanh Phong, rất vui được làm quen với bạn.
- Tui... tui...- Nó chớp mắt, nhoẻn một nụ cười để che đậy sự lúng túng.
- Nè, khi đằng ấy cười, có duyên lắm đó!
Câu nói cuối cùng ấy, đi theo nó suốt đoạn đường về.
Nó lên phòng với tâm trạng nao nao khó tả. “Con gái làm gì cũng phải từ tốn, đừng có lúc nào cũng hùng hục, rồi ngớ người ra như mất hồn vậy!”
- Nhớ lại lời dạy của mẹ, nó bất giác tự nhủ:
- Từ nay, mỗi lần làm việc gì, phải dành ra cỡ... một phút ba mươi giây suy nghĩ, để không
còn những kiểu nhầm nhọt... hổng giống ai. Và rồi nó ngắm mình qua gương, nở một nụ cười, xem có duyên thật như thằng bạn hồi nãy nhận xét không? Nhỏ em Thanh Nga nhìn nó ngạc nhiên. Chắc nhỏ đang thắc mắc: “Tại sao bà chị của mình hôm nay lại ... biết soi gương?!”.